Để ý giới hạn chịu nước của đồng hồ
Mỗi chiếc đồng hồ đều có giới hạn chịu nước khác nhau được ghi chú trên mặt đồng hồ, chẳng hạn như Water Resistant 50M, 100M,… Bạn cần lưu ý những chỉ số này để không sử dụng đồng hồ trong những trường hợp vượt quá khả năng chịu nước của nó.
Bên canh đó, khi sử dụng đồng hồ trong môi trường nước, bạn cần lưu ý vặn chặt núm đồng hồ để tránh cho nước lọt vào.
Ngoài ra, mặc dù một số đồng hồ có khả năng chịu được áp lực nước cao, nhưng bạn cũng nên lưu ý kĩ về môi trường sử dụng. Chẳng hạn như sử dụng trong phòng tắm xông hơi, do nhiệt độ cao nên đồng hồ cũng sẽ bị ảnh hưởng, hoặc sử dụng dưới biển thì đồng hồ sẽ có khả năng bị ăn mòn.
Tránh để đồng hồ gần vật có từ trường
Nhiều chi tiết bên trong đồng hồ được cấu tạo từ kim loại. Do đó nếu để gần các vật có từ trường (chẳng hạn như tivi, tủ lạnh, loa, laptop,…) thì khả năng sai lệch do nhiễm từ là khá cao.
Lúc mang đồng hồ hay kể cả lúc tháo đồng hồ ra để cất giữ, bạn cũng cần chú ý không nên để gần những thiết bị điện, điện tử này.
Vệ sinh mặt đồng hồ
Mặt đồng hồ thường làm bằng thuỷ tinh hay nhựa mica tổng hợp nên trong quá trình sử dụng, nếu không cẩn thận, bạn sẽ dễ để lại vết bẩn hoặc dấu trầy xước gây mất thẩm mĩ.
Bạn nên tiến hành vệ sinh mặt đồng hồ định kì bằng cách sử dụng kem đánh răng thoa đều bề mặt đồng hồ. Sau đó, dùng khăn bông thấm nước ấm để lau sạch lại.
Vệ sinh dây da đồng hồ
Dây da đồng hồ mặc dù giúp người đeo trông thanh lịch, quyến rũ hơn nhưng nếu không vệ sinh cẩn thận sẽ rất dễ bị bám bẩn và để lại mùi hôi khó chịu.
Để vệ sinh dây da đồng hồ, bạn cần tháo dây da ra khỏi mặt đồng hồ. Sau đó dùng dung dịch nước rửa tay để tiến hành vệ sinh, khử trùng dây da. Bạn cũng có thể sử dụng tiếp các sản phẩm đánh bóng vật liệu da cho dây da đồng hồ. Cuối cùng, bạn cần dùng khăn khô để lau thật kĩ dây da tránh để ẩm ướt.
Vệ sinh dây kim loại
Dây kim loại cũng là vật liệu dễ bám bẩn, và đặc biệt dễ bị phát hiện đối với dây kim loại sáng bóng. Hơn nữa, những vết bẩn trên dây kim loại đồng hồ sẽ khó vệ sinh nếu bạn bỏ lâu ngày.
Khi đó, bạn có thể sử dụng các chất tẩy rửa nhẹ như cồn hoặc kem đánh răng để đánh bóng và sau đó dùng vải mềm để lau sạch lại. Ngoài ra, bạn có thể ngâm dây kim loại vào chậu nước pha loãng nước rửa chén trong khoảng 10 đến 15 phút để làm mềm những vết bẩn cứng đầu trước, sau đó mới tiến hành vệ sinh.
Thay pin đồng hồ
Tất cả những chiếc đồng hồ chính hãng đều có tuổi thọ pin trung bình từ 2 đến 4 năm. Bạn nên tiến hành thay pin khoảng 3 năm 1 lần. Nếu bạn quên, pin đồng hồ sẽ bị chảy axít và ăn mòn các chi tiết bên trong.
Xử lí khi hấp nước
Đồng hồ bị hấp nước là tình trạng có hơi nước ngưng tụ, tạo thành giọt trên mặt kính hoặc mặt số đồng hồ. Tình trạng nghiêm trọng sẽ dẫn tới việc ố mốc kim, han gỉ các bộ phận máy, làm các chi tiết làm việc nặng nề, chậm, yếu, thậm chí làm cho đồng hồ chết hẳn.
Khi đó, bạn có thể dùng khăn bông để hút ẩm, hoặc sử dụng các bộ tản nhiệt như đèn hoặc máy sấy để hơ nóng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý mức độ nhiệt quá cao trên 60 độ C sẽ gây hư hỏng đồng hồ.
Các lưu ý khác nếu có
Ngoài những mẹo nhỏ trên, bạn cũng nên lưu ý những điều sau để tối ưu trải nghiệm sử dụng đồng hồ, hoặc tránh hư hỏng trong quá trình sử dụng.
- Tránh va đập mạnh đồng hồ gây sai lệch vị trí của các linh kiện bên trong. Trường hợp sử dụng không cẩn thận còn có thể gây rơi vỡ, hư hỏng đồng hồ.
- Không nên sử dụng núm vặn hay nút bấm của đồng hồ khi dưới nước hoặc đang bị dính nước để tránh ảnh hưởng đến chức năng của đồng hồ.
- Đối với đồng hồ có kèm lịch, bạn không nên chỉnh kim đồng hồ từ 9 giờ tối đến 2 giờ sáng vì trong thời gian này đồng hồ đang tự điều chỉnh để sang ngày tiếp theo.
- Bạn cũng không nên đeo đồng hồ trong lúc ngủ vì ngoài việc gây tổn thương đến cổ tay do các góc cạnh sắt nhọn, một số chất liệu làm đồng hồ cũng gây kích ứng cho da.